Xây dựng một “hệ thống” đọc sách cho bản thân

Giới thiệu

Đọc sách là một sở thích mình may mắn có được từ khi còn nhỏ. Lúc còn học tiểu học, những tiếp xúc đầu tiên của mình với việc đọc là thông qua những mẫu chuyện ngắn cực thú vị trong những cuốn sách “Truyện đọc lớp 4, lớp 5” mà đến giờ mình vẫn chưa rõ tác giả là ai. Đến cấp 2, mình biết đến và được đọc qua một vài tác phẩm tiểu thuyết nổi tiếng trên thế giới như “Nhà giả kim” của Paulo Coelho hay chuyến hành trình “Hai vạn dặm dưới biển” của nhà văn người Pháp Jules Verne. Ở chặng đường đại học và khi bắt đầu đi làm, thể loại sách mà mình đọc thường xuyên cũng thay đổi theo, mình ít đọc tiểu thuyết dần và chuyển sang phần lớn các sách về Kỹ thuật.

Trên chặng hành trình đó, cách mình đọc sách cũng có những thay đổi khi mình được tiếp xúc với nhiều ứng dụng, công cụ hỗ trợ hiện đại hơn, cũng như tham khảo thêm được cách đọc sách từ những người cùng sở thích. Ở bài viết này, mình sẽ tổng hợp lại một vài thói quen hiện tại, từ việc take notes, lưu trữ và tổ chức đến tìm sách mới, giúp việc đọc của mình trở nên hiệu quả hơn. Hi vọng bạn sẽ tìm được gì đó hữu ích và áp dụng được với bản thân mình ở bài viết này!

Ghi chú khi đọc

Đối với mình, taking notes (ghi chú) là việc cần thiết để giúp bản thân nhớ được lâu những gì đã đọc, cũng như tiết kiệm thời gian khi cần đọc lại sách vào những lần sau. Thay vì chỉ đọc một cách thụ động từ đầu đến cuối, ghi chú là cách để bản thân chủ động cá nhân hoá kiến thức, biến chúng từ của tác giả thành của mình bằng việc suy nghĩ, ứng dụng vào hoàn cảnh và cuộc sống riêng của bản thân.

Mỗi người sẽ có những cách ghi chú riêng, có những bạn sẽ bỏ ra nhiều effort để ghi chép trên giấy hoặc tablets, và cũng sẽ có những bạn chỉ dùng bút dạ quang để highlight lại những đoạn quan trọng trong khi đọc.

Bản thân mình thì sẽ sử dụng cả hai cách, highlight và take notes ở một chỗ riêng, tuỳ vào mục đích đọc của mình là gì.

  • Với những sách mà mục đích đọc của mình chỉ là “cho biết” – những cuốn sách mà mình thấy tò mò, muốn đọc để biết nội dung, thì mình thường dừng lại ở mức highlight những câu nói, đoạn trích hay những mục đáng chú ý khi đọc. Một vài loại sách mà mình thường chỉ highlight là:
    • Sách technical về một topic, một công nghệ cụ thể nào đó mà mình đang muốn học
    • Tiểu thuyết,…
  • Với những cuốn sách mà mình biết trước mục đích của mình là áp dụng những kiến thức trong đó vào cuộc sống và bản thân ở hiện tại, thì mình sẽ kết hợp cả highlight và viết xuống suy nghĩ của mình ở một trang Notion dành riêng cho cuốn sách đó.

Lưu trữ và tổ chức sách ở dạng file mềm

Ngoài việc đọc sách giấy thì mình cũng thường đọc sách ở dạng file mềm, nhất là sách technical của các nhà xuất bản nước ngoài, một phần vì chúng khá đắt và không dễ mua bản cứng ở Việt Nam.

Một cuốn sách technical mà mình từng rất muốn mua bản cứng mặc dù đã đọc xong bản online vì em nó dạy cho mình rất nhiều kiến thức. Nhưng sau khi nhìn tổng chi phí ship và thuế gần bằng luôn giá sách thì mình đành tạm đưa vào wishlist rồi sau này tính tiếp 😰

Trước đây, mình không nhận thức về việc tổ chức sách mà để mỗi em một nơi, có cuốn thì ở máy tính, có cuốn thì nằm trên Google Drive, có cuốn thì trên Kami – một nền tảng hỗ trợ giáo viên và học sinh trong việc dạy và học – vì website này giúp mình highlights và viết text trực tiếp lên file PDFs, cũng như hỗ trợ khả năng tự động đồng bộ các chỉnh sửa lên Google Drive.

Ở hiện tại, mình đưa hết tất cả các sách PDFs của mình về một app duy nhất là OneDrive. Mình chọn OneDrive vì em nó có những tính năng đáp ứng nhu cầu của mình:

  • Có các chức năng chỉnh sửa file PDF rất tiện với việc đọc: chẳng hạn highlight text, drawing, viết text, bookmark trang (tương tự như cách ta dùng sticky notes ngoài đời),… Một lưu ý nhỏ là những tính năng này chỉ có ở app chứ không có ở bản web.
  • Đồng bộ hoá giữa các thiết bị: chẳng hạn mình có thể truy cập files và đọc sách từ website trên máy tính, hay trên app từ điện thoại cũng như tablet. Cá nhân mình thì đọc chủ yếu qua tablet và điện thoại.

Một điểm trừ của việc sử dụng OneDrive là dung lượng lưu trữ cho phép ở Plan free khá thấp, chỉ tầm 5GB. Nếu bạn có quá nhiều files cần lưu trữ thì sẽ cần nâng cấp lên plan trả phí với 100GB dung lượng và mức giá 49k một tháng 🤑.

Về cách sắp xếp sách, mình nghĩ sẽ có nhiều cách tổ chức phù hợp cho từng nhu cầu khác nhau. Cá nhân mình thì chọn cách tổ chức sách khá đơn giản, theo danh mục chính mà cuốn sách thuộc về, như hình bên dưới:

Theo dõi tiến độ đọc và giữ lửa đọc sách

Bên cạnh việc sử dụng OneDrive để lưu trữ bản mềm của các file sách, mình cũng sử dụng thêm hai app, Notion và Goodreads, để track những sách mình đã, đang và sẽ đọc, cả bản cứng và bản mềm.

Notion

Đối với Notion, mình sẽ tạo một page cha với page con tương ứng với từng cuốn sách mình đọc. Ở page con, mình sẽ track một vài metadata như số trang đang đọc đến, tình trạng đọc (To Read/Currently Reading/Read/Dropped), cùng với nội dung là những reading notes mà mình để cập ở phần “Ghi chú khi đọc” ở phía trên.

Goodreads

Bên cạnh Notion, Goodreads cũng là một nơi mình dùng để cập nhật tiến độ đọc của bản thân. Goodreads, được thành lập và ra mắt đầu năm 2007 và sau này được Amazon mua lại vào năm 2013, là một mạng xã hội dành cho những người yêu sách, ở đó mọi người có thể kết bạn, chia sẻ nhau những cuốn sách mình đang đọc cũng như tìm hiểu những đánh giá của người khác về một cuốn sách bất kỳ.

Khác với Notion, mình sử dụng Goodreads như một cách để tạo động lực đọc cho bản thân nhiều hơn là mục đích lưu trữ. Mình thường lên Notion để xem bạn bè và một vài người mình đang theo dõi đang đọc gì gần đây, cũng như set reading goal hằng năm cho bản thân. Hơn nữa việc tick từng cuốn sách, từ Reading sang Read, cũng như xem thanh Progress đi lên dần từ 0 đến 100% đối với mình cũng khá gây “nghiện” ^^.

Một điểm hạn chế là không phải tất cả các đầu sách mình đọc đều có trên Goodreads nên những lúc như vậy, Notion sẽ là cứu tinh duy nhất để mình ghi lại tiến độ đọc.

Một tính năng khá hay từ Goodreads mà mình mới biết đến gần đây là tính năng Seasonal Challenge, ở đó tổng hợp những achievements nhỏ mà ta có thể thu thập để tạo động lực đạt được annual reading goal:

Nếu bạn cũng có tài khoản Goodreads hoặc dự định sẽ tạo thì ghé qua kết nối với mình tại đây nhé!

Kết luận

Thói quen đọc sách không chỉ giúp ta mở rộng hiểu biết, mà còn là một cách để chăm sóc đời sống tinh thần, nuôi dưỡng sự tò mò và duy trì động lực học hỏi mỗi ngày. Việc kết hợp những công cụ hiện đại như Notion, Goodreads hay OneDrive một cách phù hợp, không những không khiến trải nghiệm đọc trở nên máy móc, mà ngược lại, còn giúp mình tận dụng thời gian hiệu quả hơn và lưu giữ những tinh hoa từ sách theo cách cá nhân nhất.

Dù bạn đọc sách vì sở thích, công việc, hay đơn giản chỉ để thư giãn, mình tin rằng việc xây dựng một “hệ thống” đọc phù hợp với bản thân sẽ giúp hành trình này trở nên bền vững và đáng nhớ hơn rất nhiều. Nếu bạn có những mẹo đọc sách riêng, đừng ngại chia sẻ với mình nhé – mình luôn sẵn sàng học hỏi thêm từ các bạn độc giả cùng đam mê 🤝📚

Cảm ơn mọi người đã đọc bài. Hẹn gặp bạn ở bài viết tiếp theo!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *